Ads 468x60px

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

HỒ THỦY QUÁI

Tự Cổ Chí Kim, đi câu đã trở thành cái thú, là niềm vui, sở thích và đam mê của nhiều người trong cuộc sống đời thường. Thú vui này không hề có bất kỳ sự phân chia giai cấp, giàu nghèo hay tầng lớp nào.







Đi câu nhiều khi đơn giản mà nhiều khi cũng lắm công phu . Đối với bọn con nít chúng tôi hồi bé, chỉ cần 1 cành tre – ngọn trúc, gắn thêm cọng dây cước hay dây dù gì đó, rồi về nhà lén lén lấy đôi dép xốp của bà mang ra cắt nhỏ từng miếng làm phao câu, rồi thì đào giun, bắt dế để làm mồi và sau đó là có thể ngồi hàng giờ liền dưới cái nắng gay gắt của trưa hè để đợi cá cắn câu. Có khi chẳng được gì nhưng cũng có khi lại bắt được những chú cá rô phi to bằng bàn tay. Có khi đang ngồi câu cá thì bà gọi về đánh cho một trận vì dám lấy dép của bà. Mỗi lần nhắc đến câu cá là tuổi thơ của tôi lại ùa về như thế đó.



Sau này khi lớn lên, mặc cho cuôc sống tấp nập, mặc cho những lo toan thường ngày, mặc cho những áp lực có đè lên đôi vai…tôi vẫn giữ thói quen đi câu vào dịp cuối tuần của mình. Tôi có thể ngồi cả ngày liền chỉ với vài ly café hay mấy miếng bánh nhỏ để thả câu nhưng đôi khi lại chẳng bắt được gì. Nhưng điều này lại không mấy để tôi quan tâm lắm. Đối với tôi việc câu cá đã vô tình giúp tôi rèn luyện tính kiên nhẫn, chịu khó và đặc biệt hơn là được suy ngẫm lại chính mình. Tôi không nhận mình là một cần thủ giỏi nhưng tôi dám khẳng định tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với thú vui tao nhã này.



Nói về kỷ niệm đi câu của tôi thì nhiều lắm, tuổi thơ tôi là những ngày hè bên bờ sông, là những lần trốn học để tát ao bắt cá, sau này có điều kiện, tôi lại được tiếp xúc với những cần câu máy bên bờ sông Sài Gòn hay những lần câu đêm ở Nha Trang. Những lần đi câu ấn tượng và để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất lại chính là ở vùng đất cao nguyên – Đà Lạt.



Trong một lần công tác dài ngày ở Đà Lạt, không biết vì sợ tôi ở đây lâu ngày tôi buồn hay sợ tôi bị áp lực công việc nên một anh bạn đồng nghiệp đã rủ tôi đi câu. Ban đầu tôi chỉ nghĩ Đà Lạt thì làm gì có chỗ nào lý tưởng để mà thả câu cơ chứ, nhưng dù gì cũng là sở thích của mình nên tôi quyết định đi chung và tôi đã hoàn toàn bất ngờ với những lời anh bạn này giới thiệu.
Hồ Thủy Quái - một địa điểm là nơi thường lui tới của nhiều cần thủ vào dịp cuối tuần ở xứ sở sương mù. Chỉ riêng cái tên thật sự rất “quái” này đã khiến cho nhiều người phải tò mò và thích thú. Trực tiếp đặt chân đến đây, tôi mới thật sự hiểu vì sao nơi này lại mang tên như vậy, vì chính nơi đây có nhiều quy định “ quái”, phong cách “ quái” và cả… những ông chủ “ quái”.



Nằm sâu trong khu Vạn Thành, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 7km – một vị trí không xa nhưng mang đến cho tôi cảm giác yên bình của quê mình ngày xưa, tôi như lạc vào vùng trời kỷ niệm tuổi thơ ngày bé, với đầy rẫy những chiếc chòi lá đứng sừng sững trên con hồ xanh biếc, bao quanh là dãy núi xanh thăm thẳm, tạo nên quang cảnh không chỉ đẹp mà thơ mộng đến lạ thường. Tôi bước vào nơi đây tựa như đang bước vào chốn Bồng Lai Tiên Cảnh. Và tôi đã đặt riêng cho nơi đây cái tên do tôi chợt nghĩ ra “ Chốn Thần Tiên giữa trần gian”.



Qua tìm hiểu, tôi biết rằng Hồ Thủy Quái là ý tưởng từ một lãnh đạo trẻ của Tập Đoàn Liên Minh – ông Ngô Quang Phúc, với mục đích ban đầu chỉ là nơi tụ họp của các nhân viên công ty, giúp nhân viên được giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc vất vả. Nhưng sau này chính vị trí tuyệt vời đó đã trở thành nơi đón tiếp những vị khách lớn của công ty, là nơi ký kết những bản hợp đồng quan trọng, là nơi trò chuyện, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống,...
Có thể nói rằng, Hồ Thủy Quái chính là nhân chứng cho mọi sự kiện, sự việc, một điểm đến gây nhiều bất ngờ cho tôi.



Vì là địa điểm câu khá nổi tiếng và thu hút nên tôi cùng các anh em của mình phải đặt trước. Vị trí chòi khá đẹp, tôi gắn mồi vào cần và bắt đầu buông cần, một cảm giác dường như quá quen thuộc nhưng lại pha vào đó chút lạ lẫm, hồi hộp. Giờ đây, tôi mới có dịp quan sát kỹ xung quanh, nhìn lên là chiếc chòi lá tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng chính nó đã đem lại cho tôi biết bao kỷ niệm thời ấu thơ ở vingf quên gairn dị, cái cảm giác thanh bình đâu đây làm xua tan mọi mệt mỏi mà tôi đã mang nặng từ thành phố.  Nó đưa tôi lạc vào chốn tiên cảnh bồng lai bởi vẻ đẹp thiên nhiên quá hùng vĩ, không khí lại trong lành và thoáng đãng thế này làm tôi chỉ muốn thời gian trôi qua thật chậm để mình có thể tận hưởng trọn vẹn giây phút tuyệt vời tại nơi đây.

 

Và thời gian cứ thế trôi qua, không biết có phải do tôi quá tận hưởng cảnh đẹp nơi đây hay không nhưng lần này dường như tôi không được may mắn lắm cho lắm. Quay sang anh bạn đồng nghiệp kế bên, tôi lại một lần nửa được trải nghiệm vì sao nơi đây lại có cái tên là Hồ Thủy Quái, một con cá khá to, đi cân thử thì được hơn 7kg. Nhưng bạn tôi đã thả lại hồ, và nhờ đó tôi mới biết được Hồ Thủy Quái nhằm mục đích bảo tồn các loại cá lớn để phục vụ chủ yếu cho nhu cầu giải trí của cán bộ công nhân viên cùng khách hàng và đối tác đầu tư nên Hồ chỉ cho phép quý khách du lịch đến câu cá và được mang thành quả của mình là những con cá dưới 5kg. Tôi thiết nghĩ chính hình thức này đã phần nào lý giải được tại sao lại có quy định “ quái” nơi đây.



Rời chân khỏi Hồ mà sao lòng tôi lại bồi hồi, khó tả vô cùng. Dường như tôi chưa gặp phải cảm giác này bao giờ. Cái cảm xúc kìm nén, khó chịu trong người bấy lâu nay đã tan biến, thay vào đó chút nhẹ nhàng, thanh thản. Phải, chỉ một chút thôi nhưng nó dường như thay đổi hẳn con người tôi. Tôi như biến thành người khác, thoải mái lắm, cảm giác lúc này chỉ có thể ví rằng “ tựa như lông hồng”. Phong cảnh hữu tình, thiên nhiên thơ mộng làm cho tôi vô cùng thư thái, dễ chịu.



Đây chính là địa điểm không thể bỏ qua khi đến Đà Lạt. Có thể Hồ Thủy Quái chỉ quen thuộc với người dân địa phương và khá lạ lẫm với khách du lịch như tôi, nhưng  khi đã đến một lần, ắt hẳn bạn sẽ không nỡ rời xa và bạn sẽ tự nhủ với mình rằng chắc chắn sẽ quay trở lại nơi đây để tìm một góc sâu nào đó trong chính mình. Và đừng quên thưởng thức các món ăn dân dã nơi đây bạn nhé, vì chính mùi vị khó cưỡng của nó sẽ làm bạn khắc sâu, và bạn sẽ chắc chắn ghi nhớ mãi “ Chốn Bồng Lai Tiên Cảnh” này đấy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét